Với những khoảng không xanh mát, ngôi nhà hài hòa với cảnh quan xung quanh đồng thời mang lại sự thoải mái cho gia chủ.
Ngôi nhà ba tầng tại phường Thủy Dương, thị xã Hương Thủy có diện tích đất 310 m2, tổng diện tích sàn 382 m2, gồm hai thế hệ sinh sống.
Dù khu đất khá vuông vắn nhưng nhà hướng chính Tây, nên phải chịu bức xạ mặt trời mạnh, nóng bức kéo dài từ trưa đến chiều muộn.
Cây xanh sử dụng trong công trình gồm ba loại chính: Cỏ ba lá tạo thảm cỏ xanh, trúc để lọc ánh sáng tầm trung và cúc tần Ấn Độ thả từ trên mái xuống lọc ánh sáng hướng Tây cũng như giảm thiểu mưa lớn hắt vào nhà. Đặc điểm chung của ba loại cây này là dễ sống, dễ chăm sóc.
Mảng xanh bao quanh không chỉ tạo ra một lớp lá chắn tự nhiên trước nhiệt độ, tiếng ồn và khói bụi mà còn giúp căn nhà có diện mạo tươi mới, đầy sức sống.
Không gian sinh hoạt chung gồm phòng khách, bếp, phòng ăn liên thông với nhau, chỉ ngăn cách với khoảng xanh bên ngoài bằng hệ cửa kính trượt. Cách thiết kế này tạo ra một tổ hợp không gian lớn, đem tới cảm giác thoải mái, tự do và gần gũi thiên nhiên.
Để hạn chế nắng nóng, từ mặt tiền, kiến trúc sư đã thiết kế hệ thống vườn cây xuyên suốt từ ngoài vào trong. Sự hiện diện của cây xanh cả trong lẫn ngoài kết nối con người với thiên nhiên, tạo ra bầu không khí yên bình.
Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách nhiệt đới. Dấu ấn đậm nét nhất của phong cách này là ánh sáng tự nhiên, gió và cây xanh đi sâu vào từng không gian sống. Dù ở khu vực nào trong nhà, gia chủ cũng cảm nhận được sự thư thái do gần gũi thiên nhiên.
Công trình sử dụng bê tông trần tạo nên sự thô mộc và tiết kiệm chi phí.
Ở tầng hai, ngoài hệ kính lớn tự do đóng mở để tăng tương tác bên trong và bên ngoài, hệ cửa lam gỗ được sử dụng để lấy sáng, gió mà vẫn chặn được nắng gắt.
Điểm đặc trưng của các ngôi nhà ở Huế chính là hiên nhà. Đây là không gian đệm giúp giảm cường độ ánh sáng gắt và giảm lượng nước mưa hắt vào bên trong.
Hiên nhà cũng là nơi thư giãn của gia chủ vào mỗi buổi chiều tối, khi thời tiết mát mẻ hơn.
Phòng ngủ master bố trí vị trí sau cùng khu đất và hướng chính quay ra mảng xanh của công trình. Một khu vườn nhỏ thông tầng một và tầng hai cũng nằm ở không gian này nhằm thông gió, đối lưu không khí. Nhiệt độ trong nhà vì thế luôn mát mẻ
Cầu thang xoắn ốc nối lên tầng hai là điểm nhấn ấn tượng của ngôi nhà.
Không chỉ phục vụ lưu thông, cầu thang xoắn ốc còn có tác dụng trang trí, làm mềm hóa không gian thông tầng vốn đều là những đường thẳng vuông góc. Ưu điểm nữa của chiếc cầu thang này là tiết kiệm diện tích.
Thay vì những bức tường ngăn cách, không gian tầng một được thay thế bằng hệ kính trượt lớn để các phòng chức năng đều có thể hưởng nắng, gió tự nhiên và ngắm nhìn toàn bộ mảng xanh bao bọc bên ngoài.
Vách kính cũng giúp các thành viên trong gia đình dễ dàng quan sát và tương tác với nhau nhiều hơn.
Ngay phần tiền sảnh, kiến trúc sư đã bố trí một bức tường ốp đá xuyên suốt từ bên trong nhà kéo dài gần đến cổng.
Bức tường này chia tách không gian gara và không gian tiếp khách. Bởi vậy khi ngồi ở phòng khách, mọi người chỉ có cảm giác xung quanh được bao bọc bởi các mảng cây xanh. Ngoài ra, bức tường còn có tác dụng phân tách hai luồng gió đi sâu vào công trình. Một hướng đi vào gara, rồi đến không gian bếp ăn, cuối cùng là phòng ngủ. Luồng còn lại đi thẳng vào phòng khách rồi đến không gian sân vườn ở vị trí giữa nhà.
Bản vẽ tầng một công trình.
Bản vẽ tầng hai.
Công trình xây dựng trong 11 tháng, tổng kinh phí 3 tỷ đồng.
Trang Vy
Thiết kế: M+TRO Studio
Thi công: COTE Arch
Ảnh: Hoàng Lê