Chuông gió phong thủy là vật phẩm không còn xa lạ với người châu Á nói chung và Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chọn và bài trí chuông gió sao cho phát huy tối đa tác dụng phong thủy tích cực của nó. 5 điểm cần lưu ý dưới đây sẽ hữu ích cho bạn khi treo chuông gió.
Tất cả năng lượng trong phong thủy đều xuất phát từ sự chuyển động, rung động, bao gồm cả âm thanh, đặc biệt là âm thanh do chuông gió tạo ra. Chuông gió phong thủy được xem là “phương thuốc” hoặc một nam châm thu hút may mắn nếu treo đúng cách. Vật phẩm này sẽ mang dương khí vào cuộc sống của bạn, góp phần mang đến tài lộc, sự thịnh vượng cho gia chủ.
1. Chuông gió phong thủy là gì?
Chuông gió là sự kết hợp hoàn hảo và rất đỗi tự nhiên giữa chuông và gió, tạo ra những thanh âm trong trẻo, vui tai. Âm thanh của chuông gió giúp bạn cảm thấy thoải mái, an yên hơn, đồng thời gợi nhiều rung cảm tích cực. Từ xưa, chuông gió thường được treo trước cửa nhà như cái chuông cửa, báo hiệu có khách ghé thăm. Đây cũng là điểm nhấn trang trí sinh động, vui mắt cho không gian nội, ngoại thất nhà bạn.
Với người Á Đông, chuông gió không chỉ là vật trang trí, nó còn là vật phẩm phong thủy tượng trưng cho sự may mắn, thu hút những nguồn năng lượng tích cực, mang lại tài lộc cho cả gia đình. Thuật ngữ chuông gió phong thủy xuất phát từ đó. Tuy vậy, để chuông gió phát huy tác dụng phong thủy tốt, bạn cần biết cách chọn và treo chuông gió đúng cách.
2. Ý nghĩa của chuông gió phong thủy
Chuông gió lần đầu tiên được sử dụng trong văn hóa Trung Quốc cổ đại để xua đuổi linh hồn ma quỷ khỏi các tòa nhà, các ngôi đền. Sau đó, chuông gió được sử dụng bên ngoài nhà, được xem như một vật phẩm trang trí chào đón khách đến chơi nhà. Trong phong thủy, chuông gió kích hoạt các khu vực tù động, nơi năng lượng bị “mắc kẹt” bằng cách khuếch tán năng lượng cũ và thu hút năng lượng tươi mới, lành mạnh.
Theo quan niệm của người xưa “động là sống, tĩnh là chết”, thì những âm thanh rộn ràng, tươi vui của chuông gió tượng trưng cho sự sống, sinh sôi, tràn đầy năng lượng. Thanh âm của chuông gió được xem như dấu hiệu mang tới điềm lành.
Chuông gió phong thủy làm từ vật liệu Ngũ hành sẽ khuếch đại từng nguyên tố. Chuông kim loại thúc đẩy năng lượng Kim của sự tươi mới và thành công trong các dự án kinh doanh mới. Chuông gỗ thêm sức khỏe, sức sống và sự phát triển, thúc đẩy sự giàu có và lòng biết ơn…
Tóm lại, chuông gió phong thủy có hai tác dụng chính xét về mặt phong thủy: Xua đuổi tà âm, khí uế, hóa giải vận xui và mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ. Cách để chuông gió phát huy một trong hai tác dụng phụ thuộc vào loại chuông gió và vị trí treeo chuông có hợp hướng nhà, hợp tuổi hay không. Theo đó, tùy mục đích bạn hướng đến là gì để lựa chọn chuông gió cũng như vị trí, hướng treo hợp lý. Nếu đang thuê nhà nguyên căn hay thuê nhà trọ, phòng trọ, bạn cũng có thể chọn treo chuông gió để thu hút may mắn.
3. Cách chọn chuông gió phong thủy
Có rất nhiều loại chuông gió đẹp trên thị trường với chất liệu, màu sắc, kiểu dáng đa dạng cho bạn thỏa sức lựa chọn. Mỗi loại chuông gió sẽ mang một ý nghĩa nhất định về mặt phong thủy. Vậy làm thế nào để gia chủ chọn được loại chuông gió phù hợp, phát huy được năng lượng tích cực?
Ngoài tư vấn phong thủy từ chuyên gia, bạn có thể tham khảo các cách chọn chuông gió phong thủy sau đây.
Chọn chuông gió phong thủy theo hướng nhà
- Vật liệu chuông gió phong thủy
– Nhà hướng Tây, hướng Bắc và Tây Bắc: Chọn chuông gió làm bằng kim loại.
– Nhà hướng Đông Bắc hoặc Tây Nam: Chọn chuông gió làm bằng gốm sứ hoặc đất sét nung.
– Nhà hướng Nam, Đông hoặc Đông Nam: Chọn chuông gió tre hoặc gỗ.
- Hình dáng chuông gió phong thủy
– Nhà hướng Tây Nam: Chọn chuông gió phong thủy làm bằng đất sét, hình trái tim.
– Nhà hướng Đông Bắc: Chọn chuông gió phong thủy hình Đức Phật.
Chọn chuông gió phong thủy theo số thanh
Sự va chạm giữa thanh đặc và thanh rỗng của chuông gió tạo ra thanh âm đặc trưng của chuông gió. Theo phong thủy chuông gió, gia chủ nên chọn kiểu chuông có số lượng thanh là 3, 4, 5, 6 , 7, 8 thanh là tốt nhất. Loại chuông gió này sẽ giúp gia chủ xua đuổi tà khí, ma quỷ và mang lại cát lành, may mắn.
-
Chuông gió 3 thanh: chứa đựng sự giàu có, thành tựu và năng lượng nghề nghiệp.
-
Chuông gió 4 thanh: Nền tảng vững chắc và bảo mật.
-
Chuông gió 5 thanh: Đại diện cho sự thay đổi năng động (theo hướng tốt).
-
Chuông gió 7 thanh:Mở rộng và đào sâu kiến thức của bản thân.
-
Chuông gió 8 thanh: Khuyến khích sự tăng trưởng, thành công và thịnh vượng.
Không có quy tắc phong thủy nghiêm ngặt cho việc sử dụng chuông gió, nhưng hãy tận dụng sự khôn ngoan về số lượng khi lựa chọn số lượng thanh. Nói chung, số lẻ là dương và số chẵn là âm.
Nếu bạn yêu thích một loại chuông gió nhưng không chắc chắn về số lượng thanh để chọn, hãy thử nghiệm một vài chiếc chuông cùng kiểu dáng, lắng nghe âm thanh của chúng, xem thanh âm nào bạn thích nhất thì chọn.
Chọn chuông gió phong thủy theo bản mệnh của gia chủ
Ngoài hướng nhà, số thanh, bạn cũng nên căn cứ vào tuổi và bản mệnh của gia chủ để chọn chuông gió phù hợp. Sau đây là một số gợi lý chọn vật phẩm phong thủy này theo mệnh:
- Chọn chuông gió phong thủy cho gia chủ mệnh Kim
– Chất liệu: Chọn chuông gió làm bằng kim loại.
– Màu sắc: Chọn chuông gió màu trắng, vàng, ánh kim; tránh các màu đỏ, hồng.
- Chọn chuông gió cho gia chủ mệnh Thủy
– Chất liệu: Chọn chuông gió làm bằng kim loại.
– Màu sắc: Chọn chuông gió có màu trắng, màu xanh; tránh các màu đỏ, vàng đất.
- Chọn chuông gió cho gia chủ mệnh Mộc
– Chất liệu: Chọn chuông gió làm bằng tre hoặc gỗ.
– Màu sắc: Chọn chuông gió màu xanh lục, màu nâu, màu đen; tránh màu trắng, xám, ghi.
- Chọn chuông gió cho gia chủ mệnh Hỏa
– Chất liệu: Chọn chuông gió làm bằng tre hoặc gỗ.
– Màu sắc: Chọn chuông gió có màu nâu, màu vàng; tránh màu trắng, ghi, xám.
- Chọn chuông gió cho người mệnh Thổ
– Chất liệu: Chọn chuông gió làm bằng đá, sứ, gốm.
– Màu sắc: Chọn chuông gió màu nâu đất, đỏ, hồng, vàng; tránh màu xanh lá, xanh đen, đen.
Chọn âm thanh cho chuông gió phong thủy của bạn
Chuông gió làm bằng kim loại, bằng đất sét nung, bằng tre, gỗ, gốm sứ hay thủy tinh sẽ tạo ra những âm thanh độc đáo, mỗi loại đều vui tai theo cách riêng, theo cảm nhận của người nghe. Thông thường, trực giác là cách tốt nhất để chọn âm thanh chuông gió mà bạn thích nhất. Thanh âm của chuông gió đó khiến bạn vui vẻ, yêu đời, an yên hơn, loại bỏ được năng lượng tiêu cực, suy nghĩ tiêu cực của bạn.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý về không gian treo chuông gió để chọn loại chuông có âm thanh phù hợp. Chẳng hạn, chuông gió kim loại nếu treo ở ban công chung cư có thể sẽ làm phiền những người hàng xóm của bạn. Cũng đừng tập hợp tất cả chuông gió trong một không gian, nếu không chúng sẽ biến thành tiếng ồn khó chịu.
4. Cách treo chuông gió phong thủy giúp gia chủ rước tài lộc, may mắn
Chuông gió có thể tăng cường năng lượng tích cực cho một khu vực trong nhà hoặc văn phòng của bạn; đồng thời xua đuổi các năng lượng có hại như mũi tên độc chĩa vào nhà của bạn. Kiểu dáng, màu sắc, thanh âm của chuông gió còn khiến khu vườn, lối vào, phòng hoặc lối đi trong nhà trở nên sinh động, hấp dẫn hơn.
Gió sẽ kích hoạt chuông, vì vậy tốt nhất bạn nên treo chuông gió ở nơi có thể đón gió, có gió thường xuyên, đón được ánh sáng tự nhiên để kích hoạt năng lượng cát lành của chuông, xua tan tà khí, tăng vận may và tài lộc cho gia đình.
Bạn có thể treo chuông gió phong thủy ở nhiều vị trí khác nhau trong như như cửa sổ, cửa chính, hành lang, phòng ngủ, phòng vệ sinh… Tùy vào mục đích sử dụng chuông gió là gì, bạn sẽ chọn được vị trí, không gia treo chuông phù hợp.
Để xua tan tà khí, hóa giải vận đen, bạn nên chọn chuông gió làm bằng kim loại với 5 hoặc 6 thanh, có hình dáng ngôi chùa. Với chuông kim loại 6 thanh, bạn treo ở phía Tây Bắc của ngôi nhà.
Để thu hút may mắn và tài lộc, nên treo chuông gió phong thủy bằng kim loại ở khu vực thuộc hành Kim của ngôi nhà, cụ thể là hướng Tây, Tây Bắc của phòng khách, cửa hàng, văn phòng. Hướng này chủ về sức khỏe, may mắn, tài lộc dồi dào.
Treo chuông gió phong thủy ở lối vào, cửa chính
Thực tế cho thấy, đây là vị trí treo chuông gió phổ biến nhất hiện nay. Cửa chính, lối vào là nơi đón tất cả các luồng khí, năng lượng gồm cả tốt và xấu. Sự hiện diện của chuông gió ở cửa chính sẽ giúp xua đuổi tà khí, đón nhận cát khí, may mắn đến với gia chủ. Chuông gió thường được treo ở góc bên trái của cửa chính.
Treo chuông gió phong thủy ở cửa sổ
Trường hợp cửa sổ nhà bạn trực diện, thẳng hàng với cửa sổ nhà khác thì bạn nên treo một chiếc chuông gió phong thủy ở đây để bảo toàn vận may, tài lộc cho gia đình bạn. Mặt khác, nếu cửa sổ đối diện với cửa chính vào nhà, bạn cũng nên treo chuông gió ở cửa sổ để tài lộc không bị thất thoát ra ngoài, tránh được vận đen.
Treo chuông gió phong thủy ở chân cầu thang
Nếu cầu thang nhà bạn đối diện với cửa chính, bạn có thể treo một chuông gió kim loại ở chân cầu thang nhằm ngăn chặn năng lượng tiêu cực từ cửa ra vào và chân cầu thang. Đồng thời, chuông gió với số thanh lẻ sẽ làm lệch hướng mũi tên độc (góc nhọn, xe cộ đang tới), bảo vệ ngôi nhà.
Có nên treo chuông gió trong phòng ngủ?
Chuông gió về cơ bản không nên treo trong phòng ngủ bởi đây là không gian cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, thư giãn. Tuy nhiên, trong trường hợp nếu phòng ngủ có cửa phạm phong thủy, bạn có thể treo chuông gió để hóa giải. Lưu ý, chuông gió cần chọn sao cho phù hợp với bản mệnh của người ngủ trong phòng.
Đối với phòng ngủ, bạn nên treo chuông gió ở phía Bắc thuộc hành Thủy và phía Tây, Tây Bắc thuộc hành Kim. Bạn hoàn toàn có thể treo chuông gió trong phòng ngủ để hóa giải khí âm ếu gia chủ hợp với 3 hướng đó.
Ngoài ra, bạn cũng có thể treo chuông gió ở lối đi giữa nhà bếp và phòng tắm hoặc cửa chính đối diện, thẳng hàng với cửa sau để bảo toàn vận may, bảo toàn năng lượng tích cực cho ngôi nhà.
5. Một số kiêng kỵ khi treo chuông gió phong thủy
Như đã phân tích ở phần trên, chuông gió phong thủy có tác dụng hóa giải vận đen, xua tan tà khí và thu hút may mắn, tài lộc đến với gia chủ. Tác phọng phong thủy tích cực đó chỉ được phát huy khi treo chuông gió đúng cách. Nếu phạm phải một số kiêng kỵ sau, việc treo chuông gió sẽ phản tác dụng.
Thứ nhất, không treo chuông gió phong thủy trên đường quỷ của ngôi nhà. Đây là đường thẳng nối từ phía Đông Bắc ngôi nhà tới phía Tây Nam đối diện. Bởi lẽ, chuông gió có khả năng “chiêu âm, nạp tà”.
Thứ hai, không treo chuông gió ở phòng vệ sinh, nhà tắm vì không gian chức năng này vốn có tạp khí, uế khí nặng nề. Chuông gió treo ở đây khó phát huy được tác dụng phong thủy tốt.
Thứ ba, không treo chuông gió ở phòng bếp – nơi có hỏa khí. Hỏa khí sẽ bị chuông gió kích thích, tăng lên cao hơn làm cân bằng Ngũ hành, âm dương của ngôi nhà.
Thứ tư, không treo chuông gió trong phòng ngủ vì đây là không gian tĩnh, ngoại trừ trường hợp phòng ngủ có cửa phạm phong thủy. Chuông gió treo trong phòng ngủ cần chọn loại chuông hợp hướng nhà, hợp cung mệnh gia chủ.
Thứ năm, không treo chuông gió ở không gian kín và tối vì không đón được gió, ánh sáng tự nhiên để phát huy tác dụng, ngược lại dễ thu hút hung khí.
Thứ sáu, khkoong treo chuông gió trực tiếp trên đầu ở bàn ăn, văn phòng làm việc, giường ngủ và phòng khách. Bởi lẽ, năng lượng trên không có thể khiến gia chủ bất an, dễ bị đau đầu, về lâu dài không tốt cho sức khỏe.
Với bài viết chuông gió phong thủy: 5 điểm cần biết để mang lại may mắn, bạn sẽ biết cách chọn và treo chuông gió chuẩn phong thủy, giúp xua tan tà khí, hút vận may, chiêu tài nạp lộc cho gia chủ. Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể tham khảo thêm các bài viết về phong thủy nhà ở tại đây.
Lam Giang (TH)