Bạn đang không biết chọn mẫu cầu thang nhà ống nào cho đẹp và phù hợp với không gian nhà mình? Đừng lo lắng, dưới đây chúng tôi đã tổng hợp tất cả kiến thức, kinh nghiệm cần biết khi thiết kế cầu thang, giúp bạn hoàn thiện ý tưởng và truyền đạt chính xác nhất đến kiến trúc sư.
1. Có bao nhiêu loại cầu thang nhà ống?
Trước đây, cầu thang thường là khu vực ít nhận được sự chú ý từ các kiến trúc sư cũng như gia chủ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, phần thiết kế này đã được chú trọng với mục đích tạo điểm nhấn và chiều sâu cho toàn bộ ngôi nhà.

Không phải tất cả các mẫu thiết kế cầu thang nhà ống đều giống nhau, đều chỉ là các bậc thang tẻ nhạt. Trên thực tế, các mẫu cầu thang tương đối đa dạng về cả kiểu dáng, chất liệu, màu sắc để gia chủ có thể lựa chọn. Mỗi mẫu cầu thang lại có đặc điểm riêng, phù hợp với từng không gian hay từng phong cách thiết kế nội thất.

Để có thể chọn được mẫu cầu thang ưng ý nhất cho ngôi nhà của mình thì chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem các mẫu cầu thang được chia thành bao nhiêu loại nhé!

Phân loại theo vật liệu
Một trong những căn cứ để chia nhóm cầu thang chính là vật liệu. Mỗi loại vật liệu sẽ mang một ý nghĩa và tác dụng nhất định đối với việc khẳng định phong cách thiết kế nội thất của ngôi nhà.

Hiện nay, nhóm vật liệu đang được ưa chuộng khi thiết kế cầu thang gia đình bao gồm:

Cầu thang gỗ: Gỗ được coi là loại vật liệu tương đối bền đẹp, chắc chắn và gần như khó mà lỗi thời được. Bạn có thể cân nhắc lựa chọn các mẫu cầu thang ốp gỗ cách điệu hiện đại hoặc các mẫu cầu thang gỗ trạm trổ cầu kỳ, đẳng cấp nhé!


Cầu thang gỗ luôn là sự lựa chọn an toàn cho ngôi nhà, phù hợp với nhiều phong cách nội thất

Cầu thang sắt, kim loại: Cầu thang sắt đẹp cho nhà ống đang là sự lựa chọn dẫn đầu xu hướng nội thất của năm nay. Vật liệu bằng sắt sẽ tạo cảm giác hiện đại, thanh thoát cho ngôi nhà. Các thiết kế cầu thang dùng vật liệu này thường thể hiện được cá tính và gu thẩm mỹ đặc biệt của gia chủ.

Các mẫu cầu thang nhà ống bằng vật liệu kim loại và sắt đang dẫn đầu xu hướng nội thất hiện đại

Cầu thang kính cường lực: Nếu nhắc đến các mẫu cầu thang nhà ống hợp xu hướng mà bỏ quên các mẫu cầu thang bằng kính thì quả là thiếu sót. Có thể nói đây là mẫu thiết kế làm sáng không gian, thể hiện sự sang trọng, tinh tế và thanh lịch nhất. Nếu nhà bạn có diện tích hẹp thì cầu thang bằng kính lại càng là lựa chọn thích hợp. Vật liệu này sẽ tạo cảm giác căn nhà thông thoáng, rộng mở hơn rất nhiều.

Các mẫu cầu thang kính như thế này cũng đang được ưa chuộng vì sự sang trọng, đẹp mắt và hiện đại

Phân loại theo kiểu dáng
Cùng với sự mở rộng của các mẫu nhà ống và phòng khách thì cầu thang cũng đang dần đa dạng về kiểu dáng thiết kế. Lựa chọn một mẫu thiết kế cầu thang chuẩn và tối ưu sẽ giúp bạn khắc phục được hầu hết các nhược điểm về không gian của ngôi nhà và đẩy tính thẩm mỹ lên cao. Hãy cùng Batdongsan.com.vn tham khảo các mẫu cầu thang nhà ống nhận được nhiều sự yêu thích thời gian gần đây.

Cầu thang thẳng: Đây là mẫu cầu thang nhà ống cơ bản nhất, dễ thi công, không kén vật liệu cũng như phong cách thiết kế nội thất. Mẫu cầu thang này sẽ cho chúng ta cảm quan gọn gàng, chân phương. Ưu điểm lớn nhất của cầu thang thẳng là không tạo cảm giác rối mắt. Tuy nhiên, loại cầu thang này lại yêu cầu độ cao trần phù hợp.


Các mẫu cầu thang nhà ống dáng thẳng tuy đơn giản nhưng vẫn tạo ấn tượng cái nhìn đầu tiên rất tốt

Cầu thang nổi: Cầu thang nổi hay còn gọi là Floating stair là mẫu cầu thang khá mới nhưng lại tạo trend thời gian gần đây. Đặc trưng của mẫu cầu thang này là được cố định vào một bên vách tường, bên còn lại cầu thang để trống hoặc dùng các vách ngăn bằng kính. Mẫu cầu thang này sẽ tạo cảm quan thanh lịch, nhẹ nhàng và đặc biệt là giúp tạo cảm giác không gian rộng hơn.

Cầu thang dây văng: Nếu bạn không thích các mẫu cầu thang nhà ống nặng nề bởi vách ngăn hay tay vịn thông thường thì cầu thang dây văng là lựa chọn rất đáng cân nhắc. Cầu thang dây văng sẽ tạo ấn tượng không gian thoáng mát, rộng rãi hơn. Thiết kế dây văng cũng tạo sự ấn tượng, mới lạ hơn cho không gian nữa nhé!


Một mẫu cầu thang kết hợp cả dáng cầu thang nổi và cầu thang dây văng

Cầu thang chữ U: Đây là dạng cầu thang nhà ống có diện tích rộng, trần cao hoặc có nhiều tầng. Ưu điểm của mẫu cầu thang này là có sự thoải mái nhờ chiếu nghỉ giữa cầu thang trong lúc di chuyển. Thiết kế cầu thang dạng này cũng dễ phối cùng nhiều phong cách nội thất khác nhau.

Cầu thang chữ L: Dáng cầu thang chữ L thường tạo cảm giác hiện đại và thoáng mắt, khá rắn rỏi, sang trọng và phóng khoáng. Mẫu cầu thang này có khúc rẽ vuông góc tạo điểm nhấn và cũng thuận lợi cho việc di chuyển.

Cầu thang uốn cong hoặc xoắn: Hai mẫu cầu thang nhà ống là hai mẫu cầu thang tương đối cao cấp, tính thẩm mỹ cao, đòi hỏi sự phức tạp khi thiết kế. Các mẫu cầu thang này nên được đặt trong các không gian rộng hoặc các gian phòng có sự tiết chế trong bài trí nội thất thì mới không chật chội và rối mắt.
Nếu bạn muốn cầu thang của mình đẹp và độc nhất thì có thể cân nhắc lựa chọn các thiết kế cầu thang xoắn ốc như thế này

2. Một số tiêu chí cần đảm bảo khi thiết kế cầu thang nhà ống
Cầu thang là khu vực tương đối đặc biệt trong các ngôi nhà. Đây vừa là nơi phục vụ mục đích di chuyển thường xuyên, vừa là điểm nhấn làm tăng tính thẩm mỹ. Vậy khi bố trí cầu thang nhà ống chúng ta cần chú ý điều gì? Các bạn chỉ cần thỏa mãn được ba tiêu chí sau đây là đã có mẫu cầu thang lý tưởng:

Đảm bảo tính an toàn
Vì cầu thang là khu vực phục vụ mục đích di chuyển nên yếu tố đầu tiên chúng ta cần chú ý tất nhiên là sự an toàn khi đi lại. Cầu thang dù đẹp đến đâu nhưng thiếu đi sự an toàn thì chung quy vẫn không đáp ứng được tiêu chí xây dựng nhà ở.

Khi lựa chọn mẫu cầu thang bạn nên lưu ý tham khảo các chỉ số về kích thước như chiều rộng và chiều cao của cầu thang nói chung và mỗi bậc thang nói riêng. Các bậc thang không nên quá cao hoặc quá hẹp sẽ gây bất lợi cho quá trình di chuyển. Vật liệu làm cầu thang cũng nên có sự ma sát nhất định, tránh tình trạng trơn trượt khi bước đi.

Nếu ngôi nhà của bạn có khoảng cách giữa các tầng lớn thì nên ưu tiên các mẫu cầu thang nhà ống có chiếu nghỉ.

Tối ưu hóa không gian
Đối với các mẫu nhà ống thì nhược điểm không tránh khỏi là bị giới hạn về không gian. Cụ thể, mặt tiền của dạng nhà này thường bị hẹp, sự có mặt của cầu thang có thể khiến không gian mất đi sự thông thoáng. Vậy lúc này bạn cần phải tính toán sao cho cầu thang đa công năng hơn, tích hợp các khu vực chức năng khác thay vì chiếm dụng không gian.

Một số phương án bạn có thể xem xét là sử dụng vách ngăn cầu thang làm giá sách, kệ để đồ hoặc tận dụng gầm cầu thang làm không gian sinh hoạt, nhà vệ sinh,… Cầu thang cũng nên cân đối theo tỷ lệ diện tích ngôi nhà, tốt nhất là chọn các mẫu cầu thang dựa vào vách tường, tránh làm phân tách không gian lớn.


Bạn nên chọn các mẫu cầu thang dựa sát tường thế này để tối ưu không gian

Đảm bảo yếu tố phong thủy
Phong thủy cầu thang nhà ống tuy là yếu tố tâm linh, không được quy định cụ thể trong các nguyên tắc xây dựng nhưng vẫn là điều các bạn nên lưu tâm. Cầu thang thường là khu vực trung gian lưu chuyển khí tức trong căn nhà. Vì lẽ này mà một số yếu tố phụ trợ như số bậc cầu thang, vị trí đặt cầu thang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cát khí và vận may của gia chủ.

Bạn nên ưu tiên chọn các mẫu cầu thang có lợi cho bản mệnh của mình hoặc ít nhất cũng không phạm vào các điều cấm kỵ trong phong thủy. Điển hình như cầu thang không nên quay thẳng ra cửa chính hoặc số bậc cầu thang nên ứng với Sinh trong quy luật “Sinh Lão Bệnh Tử”.

Đặc biệt, bố cục cầu thang giữa các tầng nên được giữ nguyên. Việc thay đổi bố cục cầu thang sẽ dễ làm nhiễu loạn trướng khí hoạt động trong nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến vận khí cũng như sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
3. Các kích thước tiêu chuẩn đối với cầu thang nhà ống
Trong kiến trúc xây dựng, cầu thang là một trong những khu vực được quy định khá chặt chẽ về các chỉ số xây dựng. Diện tích cầu thang nhà ống tuy sẽ phải căn cứ theo diện tích ngôi nhà nhưng nhìn chung các chỉ số kích thước của cầu thang nên được đảm bảo như sau:

Đối với chiều rộng của cầu thang nhà ống
Chiều rộng của cầu thang tiếp tục được chia nhỏ thành các chỉ số tính chiều rộng nhỏ hơn bao gồm:

– Chiều rộng nói chung của cầu thang được tính tương ứng theo số luồng người định mức di chuyển trên cầu thang. Mỗi luồng sẽ được tính bằng 600mm, nếu thang thiết kế cho 3 luồng người đi trở lên thì mỗi luồng hạ xuống còn 550mm. Nếu nhà bạn nhỏ thì có thể giữ cầu thang có chiều rộng khoảng 900mm để đảm bảo sự thoải mái khi di chuyển.

– Nếu bạn chọn cầu thang nhà ống hình chữ U thì mỗi vế thang nên rộng tối thiểu là 600mm.

– Bậc thang chính là vị trí tiếp xúc của bàn chân với cầu thang để di chuyển. Chiều rộng tối thiểu của một bậc thang đủ để bàn chân có được điểm tựa vững chãi là 250mm. Tuy vậy, độ rộng của một bậc thang sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độ dốc cũng như chiều cao của cầu thang nên bạn không nên chọn cầu thang có chiều rộng vượt quá 300mm.

– Chiều rộng của chiếu nghỉ cần được đảm bảo lớn hơn hoặc bằng chiều rộng của các bậc thang vì đây sẽ là nơi hỗ trợ chúng ta di chuyển và vận chuyển đồ đạc trong tương lai.

– Công thức chiều rộng cầu thang nhà ống phổ biến nhất hiện nay là công thức tính thông qua độ dốc: 2h + b = 600mm (trong đó h là chiều cao bậc thang và b là chiều rộng cần tìm).

Đối với độ dốc của cầu thang nhà ống
Độ dốc của cầu thang thường được xác định thông qua chiều rộng và chiều cao của bậc thang. Công thức tính chiều rộng của cầu thang vẫn có thể áp dụng đồng thời trong trường hợp này. Dựa vào công thức 2h + b = 600mm chúng ta sẽ kiểm tra chiều cao của cầu thang cũng như chiều cao cổ bậc đã phù hợp hay chưa và độ dốc thực của cầu thang đang là bao nhiêu.

Thông thường, chiều cao tiêu chuẩn cho các cầu thang nhà ống rơi vào khoảng 3,6m (tương ứng với chiều cao trần nhà). Độ cao cổ bậc của cầu thang cũng chỉ rơi vào khoảng 15 – 18cm. Lưu ý rằng nếu độ cao này vượt quá 18cm thì chúng ta sẽ dễ sinh cảm giác mỏi chân mỗi khi bước lên cầu thang nhé!

Bạn có thể linh động điều chỉnh các chỉ số đo phụ để cân bằng độ dốc cho cầu thang. Ví dụ nếu cầu thang của bạn đạt độ cao cổ bậc là 15cm thì độ dốc ở khoảng 20 – 45 độ là hợp lý. Tuy nhiên, nếu bậc thang cao đến 18cm và chiều rộng bậc thang khoảng 26cm thì độ dốc tối đa chỉ nên chạm ngưỡng 30 – 33 độ.

Đối với số bậc của cầu thang nhà ống
Công thức chuẩn để tính toán số bậc cầu thang đối với mẫu nhà ống hiện nay là:

Số bậc thang = Chiều cao tầng/Chiều cao của mỗi bậc thang

Tuy nhiên, phép tính này thường cho ra kết quả khá dư. Để khắc phục vấn đề này bạn cần chủ động làm tròn chữ số. Kinh nghiệm đưa ra là bạn nên chọn số lượng bậc thang trùng với cung Sinh trong quy luật phong thủy “Sinh Lão Bệnh Tử”. Số bậc thang này sẽ giúp bạn được nhiều may mắn về tài lộc, công danh. Chu kỳ lấy số bậc cầu thang sẽ là 4n + 1 để ứng với thuật toán phong thủy trên.

Để các bạn tiện tham khảo thì hầu hết cầu thang nhà ống đang được thi công ở khoảng 21 bậc thang (tính cả chiếu nghỉ ở giữa hai tầng).

Đối với một số thông số khác của cầu thang nhà ống
Ngoài các số đo chính liên quan đến chiều rộng, độ dốc và số bậc cầu thang thì bạn cũng cần lưu ý thêm một số thông số sau đây:

– Độ cao của lan can hoặc tay vịn cầu thang nên tương thích với độ dốc. Độ cao này sẽ được tính chính xác từ trung tâm bậc thang đến mặt trên của tay vịn. Nếu nhà bạn không có trẻ em thì độ cao này có thể duy trì ở khoảng 90cm. Tuy nhiên, nếu gia đình đang có trẻ nhỏ thì nên để độ cao lên 110cm để đảm bảo sự an toàn.

Bạn nên đảm bảo lan can cầu thang cao tối thiểu là 90cm để đảm bảo an toàn khi di chuyển

– Mỗi bậc cầu thang nhà ống thường sẽ có một phần gờ nhô ra đặc trưng. Tác dụng của bộ phần này vừa để làm đẹp vừa tránh nước đọng lại khiến việc di chuyển không thuận lợi. Trung bình các gờ nhô này sẽ dài khoảng 2cm.

4. Vị trí đặt cầu thang nhà ống
Tùy theo thiết kế ngôi nhà mà bạn có thể chọn ra vị trí đặt cầu thang hợp lý nhất. Một số lưu ý quan trọng khi chọn vị trí đặt cầu thang là:

Tránh đặt cầu thang đối diện thẳng với cửa nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh vốn bị coi là nơi ô uế, có nhiều hàn khí gây hại. Nếu chúng ta đặt cầu thang nhìn thẳng vào nhà vệ sinh thì vừa không đảm bảo sự riêng tư cho nhà vệ sinh mà vừa tạo thế khí xấu cho ngôi nhà.

Ngoài ra, các bản vẽ cầu thang nhà ống thường tránh vị trí đối diện thẳng với cửa ra vào, cửa chính của ngôi nhà.

Hai vị trí đặt cầu thang đang dẫn đầu xu hướng hiện nay là mẫu cầu thang đặt giữa phòng khách và phòng bếp và mẫu cầu thang đặt cuối nhà hoặc sát tường.

Thiết kế cầu thang đặt sát tường đặc biệt thích hợp với thiết kế nhà ống

Mẫu cầu thang ngăn cách phòng bếp và phòng khách có ưu điểm là hỗ trợ ngăn cách không gian, tạo sự riêng tư nhất định cho khu vực nấu nướng. Tuy là ranh giới ngăn cách nhưng cầu thang vẫn có thể làm sáng không gian, tạo cảm giác thoáng đãng, rộng rãi.

Ngược lại, cầu thang đặt ở cuối nhà lại giúp tối ưu không gian, rất thích hợp với các căn nhà có diện tích nhỏ hoặc muốn để gian trước làm khu vực kinh doanh, cho thuê văn phòng,…

5. Có thể làm gì để tăng tính thẩm mỹ cho cầu thang nhà ống?
Thực tế, việc trang trí cầu thang tại nhà khá đơn giản và dễ thực hiện. Lưu ý là khi thực hiện trang trí cầu thang bạn nên tránh việc lạm dụng quá nhiều vật dụng trang trí khiến không gian bị chật chội, rối mắt. Nếu bạn chưa có ý tưởng nào để tự trang trí cầu thang nhà ống thì có thể tham khảo ba xu hướng sau đây:

Sử dụng vách ngăn:
Hiện nay có rất nhiều mẫu vách ngăn cầu thang nhà ống đẹp để chúng ta có thể lựa chọn. Tùy vào phong cách nội thất định hướng sẵn mà vách ngăn có thể là chất liệu gỗ cổ điển hoặc vách ngăn kim loại hiện đại.

Mẫu vách ngăn cầu thang kết hợp kệ để đồ thế này cũng là sự lựa chọn rất tối ưu

Sử dụng cây xanh:
Các chậu cây cảnh không chỉ giúp không gian trong nhà thêm phần trong lành mà còn tạo thiện cảm rất lớn cho các vị khách tới nhà. Bạn có thể chọn một vài chậu cây cảnh tươi tốt đặt tại khu vực này để trang trí nhé!

Cải tạo lại khu vực gầm cầu thang:
Gầm cầu thang vẫn thường bị coi như khu vực “chết” trong nhà, vậy tại sao bạn không tự tay cải tạo lại không gian này? Gầm cầu thang đủ diện tích để trở thành không gian thủy sinh, kệ chứa đồ hoặc nơi đọc sách, thư giãn tạm thời đấy!
Để không gian ngôi nhà thoáng đãng hơn thì có thể cải tạo gầm cầu thang thành tiểu cảnh có cây cối như thế này

Còn nếu bạn muốn tối ưu hóa không gian thì có thể sử dụng gầm cầu thang nhà ống như khu vực chứa đồ

Một khu vực gầm cầu thang khác đã được tận dụng làm chốn nghỉ ngơi, thư giãn
6. Gợi ý một số mẫu cầu thang nhà ống đẹp
Dưới đây chúng tôi đã tổng hợp một số mẫu thiết kế cầu thang nhà ống thực tế với nhiều phong cách, chất liệu khác nhau cho các gia chủ tham khảo.


Một mẫu bố trí cầu thang nhà ống 5m được thiết kế ở phía cuối nhà, tạo cảm giác thoáng mắt

Thiết kế cầu thang nhà ống hẹp có thể tận dụng tối đa các góc và tường bao như thế này để trang trí


Một mẫu cầu thang nhà ống phù hợp với không gian nội thất hiện đại


Một mẫu cầu thang nhà ống hai tầng khác với màu sắc rất ăn nhập với nội thất xung quanh


Đây là mẫu cầu thang thiết kế riêng cho dân “mọt sách”


Bạn có thể thử chọn các mẫu cầu thang dọc nhà như thế này để tiết kiệmdiện tích

Vậy là chúng ta đã vừa cùng nhau tham khảo những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm khi thiết kế cầu thang nhà ống nhằm mang lại một không gian sống thẩm mỹ và tối ưu. Ngoài ra, với một số mẫu thiết kế điển hình, đang được ưa chuộng trong kiến trúc đương đại, hy vọng sẽ giúp bạn có được ý tưởng thiết kế cầu thang cho ngôi nhà của mình. Chúc các bạn sớm có không gian sống mới cùng mẫu cầu thang đẹp, tiện ích nhất!

Hà Linh
theo Vietconcept.com