Từng ở Nhật Bản và Trung Quốc nên anh Nguyễn An quyết định cải tạo ngôi nhà nằm trong ngõ ở quận Đống Đa theo phong cách “Vườn trong nhà” (Viên lâm Á Đông).

Ngôi nhà anh Nguyễn An mới mua đã được xây từ năm 1995, nằm trên mảnh đất 5,8 x 9 m, có ba tầng, tường gạch 200 mm.

Tổng diện tích đất 52 m2 song chủ cũ chỉ xây 40 m2, chừa lại 12 m2 làm sân vườn bên hông phải nhà. Mặt tiền nhà chéo theo mặt ngõ phía trước nên để ưu tiên các phòng sinh hoạt vuông vắn, trục phòng vệ sinh và cầu thang được đẩy ra phía trước. Sau khi tính toán các phương án, thấy kết cấu móng còn vững chắc, anh An quyết định giữ lại thiết kế cũ của căn nhà song gỡ bỏ toàn bộ nội thất, trần, tường, sàn và xây thêm hai tầng với tiêu chí sáng, thoáng, sạch, gọn.

Khu vườn trước lát gạch nền, ốp gạch tường và làm bể cá, non bộ đã bị ẩm thấp, rêu mốc và nhiều muỗi nay biến thành vườn sỏi theo phong cách Nhật. Nó chia làm hai khu vực là khu khô và khu ướt. Khu khô có mái che, chỉ rải sỏi và làm chỗ uống trà. Khu ướt tiếp xúc trực tiếp với nắng mưa, là nơi trồng cây và bày đá, ang nước.

Cây trong vườn chỉ giới hạn trong bốn loại gồm tùng, cúc, trúc và thạch xương bồ, những loài cây mang khí chất thanh nhã. Ô cửa sổ tròn và tường vôi trắng, gạch hoa gió màu ghi, được phối theo phong cách Tô Châu, Trung Quốc.

Không chỉ đem tới mảng xanh cho căn nhà, khu vườn kết hợp thông tầng, giúp các tầng trên thông thoáng.

Bên cạnh đó, đây cũng là không gian được anh An đặc biệt ưa thích bởi sáng sớm và tối muộn đều có thể thưởng trà trong yên tĩnh. “Với tôi, mỗi ngày nên có 1-2 tiếng ngồi tĩnh lặng một mình. Tôi không thích ồn ào náo nhiệt rượu bia, nên không gian uống trà thật sự cần thiết”, chủ nhà sinh năm 1983 chia sẻ.

Sau 25 năm xây dựng, ngôi nhà bộc lộ nhiều hạn chế như tối, ẩm ngấm từ tường hàng xóm và từ khoảng sân giếng trời, công năng cũng chưa phù hợp với sinh hoạt của chủ nhân mới nên anh An chia lại các phòng.

Tầng trệt gồm sảnh, khu để xe và phòng khách nhìn ra vườn. Tầng hai là bếp chung phòng ăn và phòng kỷ niệm, nơi trưng bày ảnh, sách, đồ lưu niệm của các thế hệ trong gia đình. Tầng ba có phòng ngủ và phòng học. Tầng bốn dành chỗ cho phòng ngủ master và phòng thay đồ. Trên tầng năm, gia chủ bố trí phòng thờ, phòng ngủ phụ, khu giặt và khoảng sân thoáng trồng cây.

Nội thất và đồ trưng bày được lựa chọn theo ba yếu tố gồm đáp ứng tối ưu nhu cầu sử dụng, có tính kỷ niệm và có đặc trưng văn hóa. “Nội thất nhà là sự phối hợp của cả đồ đóng mới và đồ cũ”, anh Anh cho biết. “Như bộ sofa trong phòng khách, rõ ràng là chưa ăn nhập với không gian chung, nhưng mang tính kỷ niệm nên tôi vẫn trân trọng”.

Theo : Vietconcept .Com